Đảo Đá Tây A, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

“Ngư dân chúng tôi rất yên tâm khi đánh bắt trên vùng biển gần đảo Đá Tây A. Mỗi khi hết dầu, hết đá, thiếu nước ngọt… tàu chạy vào âu tàu này để tiếp tế. Nếu có bão thì đây cũng là nơi neo đậu tránh trú an toàn. Đặc biệt, khi đánh bắt được nhiều cá, ngư dân chạy vào đây bán và tiếp tế dầu, lấy đá rồi lại tiếp tục ra khơi đánh bắt. Nếu không có âu tàu này thì chúng tôi phải chạy vào bờ, mất thời gian và cơ hội đánh bắt.”

Ông Nguyễn Khoa Hiền, ngư dân xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đã nói như vậy về âu tàu Đá Tây A (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) khi thuyền của ông đang neo đậu tại đây để tiếp nhiên liệu.

Âu tàu tại đảo Đá Tây A (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là nơi có vịnh sâu và bãi san hô bao quanh, thích hợp để tàu, thuyền tránh bão an toàn, đồng thời cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân như nước ngọt, thực phẩm. Đặc biệt, tới đây Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá còn triển khai kế hoạch thu mua thủy sản cho ngư dân, vận hành và khai thác nhà máy sản xuất nước đá, kho đông, kho lạnh giúp ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Sau khi đưa tàu cá của mình vào âu tàu đảo Đá Tây A tránh trú nhiều lần an toàn, ông Nguyễn Quốc Thanh, thuyền trưởng tàu BĐ 96556-TS đã coi Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá là nơi tin tưởng để tiếp tế nguyên liệu và bổ sung những nhu yếu phẩm cần thiết.

Ông Thanh cho biết tàu cá của ông đã nhiều lần vào âu tàu Đá Tây A để tránh bão. Cụ thể, ngày 25/12, khi tàu vừa ra đến khu vực đánh bắt, chưa kịp thả lưới thì gặp liên tiếp hai cơn bão số 15, 16, phải cho thuyền chạy vào âu tàu để trú ẩn. Sau đó, bão số 16 vừa tan, ông Thanh cho thuyền ra vùng biển Trường Sa đánh bắt, nhưng chưa đánh bắt được bao nhiêu thì lại đành vội vã thu dọn lưới vì cơn bão số 1 đang đến gần.

“Nếu không có âu tàu này thì chúng tôi phải chạy mất 3 ngày tàu mới đến nơi tránh trú bão, còn vừa rồi chỉ mất có 1 ngày. Đặc biệt, khi cần tiếp tế nhiên liệu, thay vì phải mất từ 2-3 ngày chạy vào đất liền như trước đây thì bây giờ chỉ cần canh lượng dầu trên tàu vừa đủ chạy đến âu tàu này mua nhiên liệu hoặc gạo, nước đá, nước ngọt rồi tiếp tục ra khơi,” ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Khoa Hiền, ngư dân xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cũng liên tiếp gặp 3 cơn bão nên chạy vào đây neo đậu tránh bão và bơm thêm nhiên liệu. Theo ông thì đảo Đá Tây không những có âu tàu kiên cố, thuận lợi cho tàu, thuyền của ngư dân vào tránh bão an toàn, mà còn cung cấp dầu, nước ngọt, ngư cụ, lương thực, thực phẩm đầy đủ cho ngư dân. Nếu không có âu tàu này thì ngư dân phải chạy vào bờ, mất thời gian và cơ hội đánh bắt.

Âu tàu tại đảo Đá Tây A rộng khoảng 13 ha, đủ sức chứa 200 tàu cá của ngư dân vào neo đậu tránh bão. Trong cơn bão số 16 vừa qua, với sức gió giật từ cấp 15 đến 16, có hơn 20 tàu cá vào đây trú bão. Trong thời gian này, Trung tâm và lực lượng hải quân trên đảo đã tuyên truyền, vận động ngư dân lên đảo trú ẩn an toàn, hỗ trợ mì tôm, nước uống cho 153 thuyền viên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ khai thác thủy sản Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Hồ Mạnh Tưởng cho biết.

Theo Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A, Thiếu tá Trần Văn Lĩnh, năm 2017 có 653 lượt tàu ra đánh, khai thác hải sản, chủ yếu ở các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa. Đơn vị đã chủ động phối hợp với các lực lượng của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá cứu hộ 1 tàu gặp nạn, vận chuyển 2 lượt bệnh nhân, đưa 26 tàu cá ngư dân vào âu tàu sửa chữa. Trong năm, 427 lượt tàu vào làm dịch vụ cung ứng với trên 22 tấn lương thực thực phẩm; gần 300 mét khối dầu; cấp miễn phí trên 25.000 cây đá và 1.700 khối nước ngọt cho ngư dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hậu cần Nghề cá đảo Đá Tây A Hồ Mạnh Tưởng cho biết để ngư dân yên tâm bám biển, thời gian tới, Trung tâm sẽ khai thác tối đa năng suất của nhà máy nước đá để đảm bảo cung cấp cho ngư dân, đưa vào vận hành kho lạnh, kho đông nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản lượng thủy sản thu mua của ngư dân.

Trung tâm cũng tăng cường dịch vụ sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa; triển khai kế hoạch thu mua thủy sản của ngư dân với mức giá bằng với đất liền. Hiện nay, kho lạnh của Trung tâm có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá cho ngư dân mỗi ngày; kho đông có thể đáp ứng được 5 tấn/ngày cũng đã sẵn sàng. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho để trữ thủy sản.

Đoàn công tác rời đảo cùng với những thông tin mà ông Hồ Mạnh Tưởng cung cấp khiến ngư dân thấy yên tâm hơn khi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc./.

Theo: Viet Nam Plus