Do ảnh hưởng của bão số 1 (bão Pabuk) gần bờ, từ đêm 1/1 đến 2/1, tỉnh Ninh Thuận có mưa rất to và dông, lượng mưa từ 30-80mm/24 giờ. Riêng các huyện phía Bắc của tỉnh giáp với Khánh Hòa, lượng mưa đạt từ 80-130mm/24 giờ.
Vùng biển tại Ninh Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết để ứng phó mưa bão, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm tàu thuyền tại các cảng không cho vươn khơi trong thời điểm bão.
Đồng thời, lực lượng chức năng thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để tránh trú an toàn.
Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương rà soát các khu vực vùng trũng thấp, các điểm xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở, có nguy cơ sạt lở để chủ động phương án ứng phó, khắc phục và kịp thời tuyền truyền, vận động, di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để tính việc xả lũ đảm bảo đúng quy trình vận hành, không để xảy ra thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các hồ chứa hiện đã tích trữ đầy nước hoặc không đảm bảo an toàn hạn chế việc xả lũ với lưu lượng lớn; trường hợp dự báo khả năng có mưa lớn phải xả lũ cần tính toán điều tiết xả với lưu lượng và thời gian phù hợp (chậm nhất 6 giờ trước khi xả), để tránh thiệt hại xảy ra.
[Nhiều dấu ấn trong công tác phòng chống, tái thiết sau thiên tai]
Hiện trong số 21 hồ chứa do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý, đến 7 giờ ngày 2/1, tổng lượng nước đã đạt 192,63/194,49 triệu m3 dung tích thiết kế.
Tám hồ chứa đang phải mở cửa van từ 10-20cm để xả lũ. các hồ chứa còn lại nước đã qua tràn tự do từ 10-30cm.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết do mưa lớn kéo dài trên diện rộng, nhiều diện tích rau màu ở các địa phương của huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước… trồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán đã bị ngập trong nước, hư hại khá nhiều.
Đặc biệt, tại các địa phương vùng trũng của huyện Thuận Nam, hơn 200ha lúa vụ Đông Xuân sớm mới gieo sạ đã bị ngập sâu trong nước kéo dài hơn 4 ngày qua. Nếu cứ mưa liên tục, nước không rút được, lúa sẽ mất trắng và người dân buộc phải gieo sạ lại lần hai./.
Theo: Viet Nam Plus