Dự án tại Hòn Rùa này gây tai tiếng rất lớn trong thời gian qua. Không những xẻ thịt Hòn Rùa – một hòn đảo tuyệt đẹp nằm trong danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang – mà chủ đầu tư dự án còn ồ ạt lấn biển mở rộng diện tích xây dựng. Nhiều dự án du lịch khác ở Nha Trang cũng tương tự. Doanh nghiệp ngắm nghía những địa thế tuyệt đẹp lập dự án. Sau khi được cấp phép rồi cứ thế mặc sức lấn chiếm.
Sai phạm thì phải xử phạt, buộc phải hoàn trả hiện trạng chứ không thể để doanh nghiệp tự tung tự tác nộp phạt rồi tiếp tục sai phạm. Cách xử lý như trên sẽ tạo thói quen hết sức nguy hiểm là lấn chiếm kiếm lợi rồi chịu phạt để cho yên chuyện. Hậu quả của vấn đề này rất dễ thấy. Khu vực bị lấn chiếm ở Hòn Rùa sẽ lọt vào tay nhà đầu tư và Nha Trang mất đi một vùng biển đẹp. Và trong suy nghĩ của không ít người dân, họ sẽ xem đây là cách các cơ quan chức năng thỏa hiệp với bên sai phạm.
Cách xử lý nửa vời, thậm thụt như trên chúng ta đã thấy ở nhiều nơi. Sông Đồng Nai cũng bị doanh nghiệp lấp làm dự án. Sau khi các cơ quan chức năng ngăn chặn thì hiện trạng đến nay vẫn còn bỏ dở, chưa được trả về nguyên trạng. Như thế thì có khác nào im lặng để sai phạm mặc nhiên tồn tại.
Chúng ta cũng không khỏi đau xót khi hàng trăm hécta rừng ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk… bị xẻ thịt. Sau khi kiểm điểm, xử lý các cán bộ liên quan thì những cánh rừng trên cũng không được trồng lại. Lâu dần, diện tích đất đó lại được chính quyền địa phương sử dụng vào mục đích khác. Hiển nhiên, rừng vĩnh viễn bị mất. Những người “ăn theo” các cánh rừng – không còn rừng – sẽ có nhiều toan tính hơn cho ích lợi cá nhân. Thậm chí, tại nhiều nơi, chúng ta đều thấy rừng trù phú bị lơ là để lâm tặc phá thành rừng nghèo. Rừng nghèo bị doanh nghiệp vào lập dự án trồng rừng, một thời gian thành… không có rừng. Cuối cùng, những mảnh đất trên trở thành trang trại của bao đại gia, cán bộ địa phương và các doanh nghiệp. Cả triệu hécta rừng nguyên sinh của các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung bị mất gần như cùng kịch bản.
Tài nguyên thiên nhiên là tài sản của quốc gia, của người dân. Nó mất đi thì sẽ không bao giờ tìm lại được, khắc phục được. Nó phải được sử dụng một cách hợp lý nhất, đúng đắn nhất để mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Cộng đồng không thể chấp nhận cái cách ban phát tùy tiện tài nguyên quốc gia cho các doanh nghiệp như là tài sản riêng của không ít cán bộ tại nhiều địa phương. Không chấp nhận những dự án mà hiệu quả đối với cộng đồng rất mơ hồ nhưng dễ dàng được cấp phép để rồi tùy tiện xâm hại tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển kinh tế nhưng không phải bằng cách mang tài nguyên quốc gia ra đánh đổi. Bởi như thế chẳng thể làm cho chúng ta hết nghèo, tài nguyên thì cạn kiệt và con cháu mai sau chẳng còn gì để thừa hưởng.
Phạm Hồ
Theo: Người Lao Động