Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ẩn họa trên núi Hòn Nghê

UBND TP. Nha Trang giao Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố kiểm tra, hướng dẫn chủ thửa đất nằm trong vùng sạt lở núi Hòn Nghê (xã Vĩnh Ngọc) lập phương án di dời các khối đá mồ côi để bảo đảm an toàn cho khu dân cư phía dưới, trước ngày 10-4.

 Nơm nớp lo sạt lở

Ngày 2-4, phóng viên có mặt tại khu vực núi Hòn Nghê phía sau khu dân cư Hòn Nghê 2, ghi nhận trên diện tích khoảng 1ha ở đây đang ngổn ngang đất, đá. Các khối đá lớn đang nằm ở độ cao khoảng 30m so với mặt bằng nhà ở người dân. Nhiều khối đá nằm rải rác trên triền núi, có thể lăn bất cứ lúc nào.



Các khối đá mồ côi nằm cheo leo trên khu vực dân cư thôn Hòn Nghê 2 (xã Vĩnh Ngọc).



Gia đình ông Lê Hữu Thảo (thôn Hòn Nghê 2) có 4 người, nhà sát vách núi Hòn Nghê, sinh sống ở khu vực này đã được 10 năm. Ông Thảo cho biết, khu dân cư này sống yên ổn trong nhiều năm, cho đến khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 (năm 2017) khiến núi Hòn Nghê sạt lở, các khối đá mồ côi lăn xuống nằm ở lưng chừng núi từ đó đến nay. Năm 2018, có một số đơn vị thi công đưa máy múc, máy ủi mở đường lên núi để vận chuyển đá xuống, nhưng không phát huy hiệu quả, đá trên núi vẫn chưa được dọn sạch. “Từ năm 2018 đến nay, cứ mỗi khi có mưa kéo dài là gia đình tôi và các hộ xung quanh lại nơm nớp lo sợ đất sạt, đá lăn trúng nhà”, ông Thảo nói.


Theo thông tin từ UBND xã Vĩnh Ngọc, toàn bộ khu vực sạt lở ở núi Hòn Nghê 2 khoảng 17.000m2, hiện trạng có 400m2 đất ở nông thôn, còn lại là đất rừng sản xuất, do bà Trương Thị Hạnh (trú phường Vĩnh Hải) sở hữu. Khu vực này có thửa đất số 327 với diện tích hơn 3.890m2 bà Hạnh đã cho Viettel Khánh Hòa thuê đất để làm công trình Trạm phát sóng Viettel từ năm 2013. Với tình trạng đá mồ côi nằm cheo leo trên núi, bà Hạnh xin được di dời đá nhằm bảo vệ người dân và công trình Trạm phát sóng Viettel. Ngày 1-11-2019, UBND TP. Nha Trang đã có chủ trương cho phép bà Hạnh di dời các khối đá mồ côi; chi phí di dời do bà Hạnh chi trả và không được san ủi hay vận chuyển đất, đá ra khỏi khu vực thửa đất, thời hạn thực hiện 15 ngày. Bà Hạnh sau đó đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thành Công tổ chức thi công.


Việc di dời đá từ trên núi xuống cần lập phương án thực hiện an toàn, tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng TN-MT thành phố, khi tham mưu UBND thành phố cho bà Hạnh di dời đá, Phòng QLĐT chưa xem xét, thẩm tra hồ sơ về phương án thi công theo chỉ đạo của thành phố, dẫn đến khi thực hiện việc vận chuyển đá từ trên cao xuống dưới, đơn vị thi công đã thực hiện tự phát bằng cách đào một vạt đường có độ nghiêng tương đối để vận chuyển và tập kết đá.


Khi tiến hành kiểm tra, Phòng QLĐT phát hiện, bà Hạnh sau khi dọn dẹp các tảng đá mồ côi nguy hiểm, tiếp tục dùng máy đào để múc đất, đá tạo mặt bằng giật cấp từ dưới chân núi đến đỉnh núi, xếp đá kè cao 3m. Đồng thời, chuyển đá tảng (không phải đá mồ côi) trên sườn núi xuống dưới tạo mặt bằng. Với những sai phạm này, Phòng QLĐT đã tham mưu UBND TP. Nha Trang yêu cầu bà Hạnh chấm dứt việc thi công, dọn đá tại khu vực nói trên và bàn giao cho UBND xã Vĩnh Ngọc lập hồ sơ xử phạt về hành vi làm biến dạng địa hình. Bà Hạnh đã dừng toàn bộ việc di dời, vận chuyển đá và giữ nguyên hiện trạng tại khu vực trên.

Lập phương án di dời đá mồ côi


Sau khi xem xét các sai phạm, UBND TP. Nha Trang xét thấy hiện trạng khu đất có thay đổi về địa hình so với trước đây, nhưng do việc thi công san đường để làm mặt bằng và xây kè đá để chống sạt lở, chứ không phải bà Hạnh tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, do đó thống nhất không xử phạt về hành vi làm biến dạng địa hình. Tuy nhiên, về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình kè chống sạt lở không có giấy phép xây dựng, ngày 21-1-2020, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với bà Hạnh và áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm.


Hiện nay, khu vực sạt lở ở núi Hòn Nghê có khoảng 18 hộ dân thôn Hòn Nghê 2 bị ảnh hưởng trực tiếp. Sau khi bà Hạnh dừng việc thi công vận chuyển đá, tình trạng sạt lở đất mỗi khi mưa lớn kéo dài vẫn diễn ra, các khối đá mồ côi vẫn còn nằm phía trên khu dân cư.


Đến nay, UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP. Nha Trang vẫn chưa tìm được phương án giải quyết, bởi đối với hiện trạng kè chống sạt lở mà bà Hạnh xây dựng trái phép, nếu buộc tháo dỡ thì sẽ không còn vật cản, khi có sự cố, đá trên núi sẽ lăn xuống nhanh và nguy hiểm hơn. Còn nếu giữ nguyên hiện trạng thì khi có mưa lớn kéo dài sẽ làm thay đổi dòng chảy khiến nước tống thẳng vào nhà dân. “Với tình hình này, trước mắt, UBND xã đã cắt cử cán bộ thường xuyên theo dõi, ứng trực khu vực thôn Hòn Nghê 2 để sẵn sàng di dời dân khi có mưa lớn kéo dài”, ông Lê Văn Mỹ – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Khánh – Quyền Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở đất đá tại khu vực thôn Hòn Nghê 2, thành phố đã giao Phòng QLĐT phối hợp với Phòng TN-MT kiểm tra thực tế hiện trạng cải tạo mặt bằng tại thửa đất, hướng dẫn cho bà Hạnh lập phương án di dời đá mồ côi, cải tạo mặt bằng để khắc phục sạt lở tại khu vực. Phương án di dời phải trình Phòng QLĐT thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. UBND thành phố giao UBND xã Vĩnh Ngọc theo dõi, giám sát việc thực hiện phương án hoàn thành trước ngày 10-4, trường hợp bà Hạnh không chấp hành thì xử lý theo quy định của pháp luật.


THÁI THỊNH

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202104/an-hoa-tren-nui-hon-nghe-8212365/ )

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202104/an-hoa-tren-nui-hon-nghe-8212365/