Giữa tâm dịch bệnh Covid-19, các cán bộ Viện Pasteur Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) gồng sức ngày đêm xét nghiệm cho bệnh nhân cả miền Trung
Thạc sĩ Nguyễn Bảo Triệu, Trưởng Phòng Vi sinh miễn dịch Viện Pasteur Nha Trang, cho biết đơn vị phụ trách các chương trình y tế dự phòng, y tế công cộng các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận nên khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, công việc xét nghiệm của phòng hết sức vất vả.
Làm xuyên Tết, chờ mẫu xuyên đêm
Theo ông Triệu, để xét nghiệm Covid-19, đầu tiên là khâu tiếp nhận mẫu bệnh gồm dịch hầu họng và máu. Các mẫu bệnh khi chuyển đến Viện Pasteur Nha Trang đều phải bảo quản lạnh, bảo đảm an toàn sinh học, đóng gói đúng quy cách. Các địa phương có thể gửi mẫu bằng đường bộ theo ôtô, đường hàng không… nên mẫu bệnh đến bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm hay rạng sáng.
Là người trực tiếp xử lý các mẫu bệnh, anh Nguyễn Tiến Đạt cho rằng do các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Đà Nẵng thường gửi mẫu xét nghiệm bằng ôtô nên hầu như lúc nào cán bộ Phòng Vi sinh miễn dịch cũng phải thay phiên nhau thức canh. Nếu gửi xe khách thời gian rất phập phù, có lần xe về trễ phải chờ 3-4 giờ mới lấy được mẫu. “Khi mới bùng phát dịch Covid-19, TP Đà Nẵng có mẫu bệnh cần xét nghiệm gấp nên họ đánh xe đưa tận nơi. Xe đến Nha Trang khoảng 2 giờ, tôi chờ mẫu đến gần 3 giờ mới hoàn tất công việc. Thật ra cũng hơi cực nhưng người bệnh cần gấp kết quả nên mình phải làm hết sức để họ yên tâm” – anh Đạt nói.
Ông Nguyễn Bảo Triệu cho biết thêm mẫu bệnh sau khi đưa về Phòng Vi sinh miễn dịch sẽ được đưa vào phòng xử lý mẫu. Đây là khâu rất quan trọng vì các mẫu đều mang mầm bệnh nguy hiểm nên công tác an toàn sinh học được đặt lên trên hết. Sau khi xử lý xong, mẫu sẽ chuyển qua khâu dung dịch phản ứng, phòng chiết tách ARN – virus và cuối cùng là chạy máy kết quả. Thông thường, mỗi mẫu sẽ có 2 cán bộ phụ trách để làm các công đoạn. Nếu mẫu âm tính thì có kết quả trong vòng 4-6 giờ, còn mẫu dương tính thì phải mất khoảng 10 giờ.
“Công việc của các cán bộ khá áp lực, cao điểm mỗi ngày phải xét nghiệm đến 25 mẫu bệnh, mỗi mẫu phải làm từ 4-10 giờ. Có mẫu phải làm lui làm tới mới xong. Dịch Covid-19 lại rơi vào dịp Tết nên chúng tôi hầu như không có Tết. Ngày nào cán bộ cũng chia ca làm việc liên tục từ sáng đến 21 giờ mới nghỉ. Điều đáng ghi nhận là các cán bộ của phòng không ai than phiền. Không chỉ vậy, khi phân công, nhiều người còn xung phong đảm nhận để làm sao cho công việc đạt hiệu quả cao nhất. Ai cũng ý thức dịch Covid-19 thật sự rất nguy hiểm và đây là lúc họ thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội” – ông Triệu đúc kết.
Chờ từng giây từng phút
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực xét nghiệm, anh Huỳnh Quang giải thích mẫu bệnh Covid-19 sau khi được các địa phương gửi về, viện đưa vào xử lý ở Phòng Phân lập virus cúm và hô hấp. Muốn vào phòng này xử lý mẫu bệnh, cán bộ bắt buộc phải mang đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, mang khẩu trang và kính chuyên dụng. Các mẫu xử lý bằng máy cấp 2 – B2 đặc biệt. Máy này có hệ thống làm sạch không khí bằng hệ thống lọc 1 chiều để bảo đảm an toàn sinh học. Ở khu vực này, không chỉ xét nghiệm Covid-19 mà phải xét nghiệm nhiều chủng virus khác để phục vụ công tác khác của viện. “Nếu không làm kỹ ở khâu này thì người cán bộ xử lý cũng có thể bị nhiễm bệnh từ nguồn mẫu. Đây là công đoạn nguy hiểm” – anh Quang nói.
Theo ông Triệu, do Covid-19 là dịch bệnh mới nên giai đoạn đầu, để khẳng định bệnh nhân dương tính hay âm tính rất khó khăn, kèm theo đó là khối lượng công việc quá lớn. Những ca ở giai đoạn đầu mùa dịch hầu hết suy hô hấp, yêu cầu chung là phải xét nghiệm khẩn cấp nhưng thời gian này thiếu nhiều sinh phẩm. “Chúng tôi phải thực hiện sàng lọc từng chủng virus, chủng nào âm tính thì loại suy nên mất rất nhiều thời gian. Sau đó chúng tôi phải phối hợp với chi nhánh Đại học Oxford (Anh) ở TP HCM để thẩm định quy trình. Ở ca đầu tiên cho kết quả âm tính với Covid-19, ai cũng thờ phào nhẹ nhõm” – ông Triệu kể.
Điểm đáng chú ý chính là ca dương tính đầu tiên với Covid-19 ở Khánh Hòa. Khi xét nghiệm loại bỏ trường hợp âm tính, các cán bộ của Phòng Vi sinh miễn dịch tiến hành các bước tiếp theo và cho ra kết quả dương tính. Thời điểm này, để chắc chắn Viện Pasteur Nha Trang tiếp tục phối hợp với Viện Pasteur TP HCM để kiểm tra chéo và cùng cho kết quả dương tính.
“Khi cầm kết quả dương tính trên tay, tâm trạng chúng tôi buồn vui lẫn lộn. Mừng vì với chủng virus mới hoàn toàn nhưng chúng tôi đã hoàn thiện được kỹ thuật xét nghiệm. Còn buồn vì bệnh dịch đã có mặt ở Việt Nam. Nhất là đối với trường hợp nữ lễ tân ở tỉnh Khánh Hòa, gia đình họ phải chịu áp lực rất lớn” – ông Triệu tâm sự.
Cán bộ Nguyễn Đức Duy, người trực tiếp xét nghiệm mẫu bệnh của nữ lễ tân ở tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận: “Khi cầm kết quả dương tính Covid-19 trên tay, tôi hơi bất ngờ vì virus lại tồn tại được ở xứ nóng như Việt Nam. Nhiều người hỏi có sợ không, tôi cũng thú thực là không sợ. Vì đây là virus cúm gây tác hại đối với người già, người có tiền sử bệnh. Còn đối với những người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì dễ dàng điều trị như trường hợp nữ lễ tân vừa qua”.
“Dù không sợ nhưng sau ca dương tính này, mỗi lần xét nghiệm, chúng tôi đều mang tâm trạng hồi hộp. Nhất là người nhà của nữ lễ tân, đây là những người có nguy cơ nhiễm rất cao. Trong thời gian chờ đợi ai cũng mong từng giây, từng phút. Khi có kết quả âm tính ai cũng vui mừng” – anh Duy kể thêm.
Coi mẫu bệnh như của người nhà
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, việc giám sát dịch tễ Covid-19 đang tăng khi Hàn Quốc bùng phát dịch bệnh. Ngày 23-2, có 131 người Việt từ Hàn Quốc về Khánh Hòa. Ngày 24-2 là 40 người. ngày 25-2 là 141 người. Ngày 26-2 là 192 người. Đến chiều 27-2, toàn tỉnh đang cách ly 32 trường hợp về từ Hàn Quốc. Tất cả đang được khám sàng lọc, nếu có biểu hiện ho, sốt sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.
Với tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, ThS Nguyễn Bảo Triệu chia sẻ: “Đó là câu chuyện trách nhiệm. Đối với các cán bộ trẻ, trước khi vào công tác, chúng tôi đều có buổi nói chuyện, tâm sự về nghề. Phải coi những mẫu bệnh đưa vào xét nghiệm như là mẫu bệnh của người nhà mình vậy. Có như vậy mới thấu hiểu được cảm giác mong mỏi chờ kết quả của người bệnh mà nỗ lực hết mình để trả kết quả sớm nhất cho họ yên tâm điều trị”.
Như trường hợp người nhà của nữ lễ tân dương tính với Covid-19, khi nhận kết quả, đó thật sự là một cú sốc. Rất may, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đã có bước tư vấn tốt. Còn với người nhà của nữ tiếp tân này, họ bị kỳ thị, không ai dám tiếp xúc. Bởi vậy, các cán bộ phải làm nhanh để sớm có kết quả và giám sát dịch tễ đối với người nhà của nữ lễ tân để họ an tâm.
Quá tải!
Theo TS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, ban đầu Việt Nam phải sử dụng kỹ thuật giải trình tự gien thì mới xác định được chính xác mẫu bệnh phẩm. Do quy trình phức tạp nên có thể mất 3-4 ngày mới có kết quả xét nghiệm. Đến nay, viện đã đưa vào sử dụng kỹ thuật mới là Real Time – PCR (test kit) nên thời gian xét nghiệm SARS-CoV-2 mất khoảng từ 4-6 giờ.
Ban đầu, test kit còn ít, hiện nay viện đã đặt mua ở nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ hỗ trợ thêm test kit. Tuy nhiên, việc xét nghiệm khiến viện cũng quá tải, cán bộ phải làm suốt ngày đêm do nhiều địa phương lo lắng quá mức, đưa đến nhiều trường hợp không có biểu hiện bệnh cụ thể.
Nguồn: NgườiLaoĐộng