Ngày 24-7, 5 ngư dân tàu cá BTh 97478 TS sống sót còn lại đã được lực lượng của Vùng 4 Hải quân đưa vào bờ an toàn. Trải qua 12 ngày dành giật sự sống giữa biển cả mênh mông, vẻ thất thần còn hiện rõ trên gương mặt hốc hác, nỗi lòng họ lại quặn thắt khi biết tin có đến 6 bạn thuyền trên chuyến tàu định mệnh đã mãi mãi không trở về!
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
Sáng 24-7, 5 ngư dân trên tàu cá BTh 97478 TS bị chìm hôm 10-7, gồm thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cùng 4 thuyền viên Nguyễn Văn Mỹ, Bùi Văn Vinh, Lê Văn Dũng và Nguyễn Thành La (đều ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được tàu 466 của Vùng 4 Hải quân đưa vào bờ an toàn. Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiến hành làm thủ tục bàn giao các ngư dân cho lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và gia đình.
Trải qua 12 ngày trôi dạt vô định trên chiếc thuyền thúng nhỏ bé giữa biển cả mênh mông, không thức ăn, nước uống, sau khi được cứu sống, hiện sức khỏe các ngư dân dần ổn định dù trên cơ thể vẫn còn nhiều vết lở loét, bong tróc da do ngâm nước biển dài ngày. “Trước khi được tàu vận tải nước ngoài BUFFALO cứu vớt vào sáng 22-7, trên thuyền thúng của chúng tôi chỉ còn lại 5 người, 3 anh em khác vì dần kiệt sức do đói khát nên đã lần lượt ra đi liên tiếp trong các ngày 19, 20, 21-7. Chúng tôi đã quá đau lòng khi đành phải thả thi thể đồng nghiệp xuống biển. Nay được cứu sống, song nỗi đau xót ấy còn nhân lên khi biết tin 3 trong 7 anh em khác trên chiếc thúng chai còn lại chỉ có 4 người sống sót”, ngư dân Lê Văn Dũng nghẹn ngào nói.
Với vẻ mặt tiều tụy, đôi mắt trũng sâu và giọng nói còn yếu ớt, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn cố gắng kể lại thảm kịch đã xảy ra với con tàu của mình cùng 15 ngư dân vào hôm 10-7. Hôm đó, tàu của ông đánh bắt hải sản đang trên đường trở về thì gặp gió lớn. Từng đợt dâng sóng cao phủ lấy con tàu. Các thuyền viên cố tát nước, tìm đủ cách khắc phục, song mọi nỗ lực đều bất thành. Cuối cùng con tàu bị phá nước và chìm rất nhanh, chỉ trong khoảng 15 phút.
Là thuyền trưởng với nhiều năm kinh nghiệm đi biển, ông Toàn đã đưa ra quyết định chia mọi người thành 2 nhóm nhanh chóng thoát ra khỏi con tàu đang chìm dần xuống biển để lên 2 thuyền thúng nhằm có thêm cơ hội sống sót. Ông cùng với 7 thuyền viên lên 1 chiếc, chiếc còn lại có 7 người. “Tàu chìm rất nhanh nên chúng tôi chỉ kịp cầm theo một vỏ can nhựa để hứng nước khi trời mưa hoặc cũng có thể làm phao khi cần thiết. Thế nhưng những ngày trôi dạt trên biển, trời chỉ mưa một lần mà mưa rất nhỏ. Mấy anh em tôi tự trấn an nhau để tránh tinh thần hoảng loạn và buông xuôi, uống nước biển, vớ được rong hay những quả dừa trôi dạt thì thì chia nhau từng cọng rau, giọt nước dừa để cầm cự và hy vọng được cứu sống. Có mấy hôm biển động, sóng lớn 4 lần lật úp chiếc thúng chai, hất mọi người xuống biển, nhưng ai cũng cố ngoi lên lật thúng lại và tát nước ra khỏi thúng để tiếp tục bám trụ với sức lực và niềm hy vọng cuối cùng sẽ được cứu”, ông Toàn kể lại.
Tàu cá BTh 97478 TS có công suất 310 CV, hành nghề lưới vây, xuất bến ngày 21-6 tại cảng Phan Thiết đi khai thác hải sản tại vùng biển Trường Sa – DK1, trên tàu có 15 lao động. Đến hơn 5 giờ ngày 10-7, tại vị trí cách phía Nam Đông Nam đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 85 hải lý, tàu BTh 97478 TS bị mất liên lạc. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận và chủ tàu đề nghị hỗ trợ tìm kiếm. Đến 13 giờ 10 ngày 19-7, tàu cá BĐ 96935 TS phát hiện một thúng chai trên đó có 4 thuyền viên của tàu cá BTh 97478TS tại vị trí cách Tây Bắc đảo Sinh Tồn khoảng 80 hải lý (trước đó, 3 người trên trên thúng chai đã tử vong vì kiệt sức, các bạn thuyền bất đắc dĩ đành thả các thi thể xuống biển). Đến chiều 21-7, Tàu Cảnh sát biển 7011, thuộc Hải đoàn Cảnh sát biển 32 đã đưa 4 ngư dân này vào đất liền an toàn.
Như vậy, trong 15 lao động trên tàu cá BTh 97478 TS gặp nạn, đến nay 9 người còn sống đã may mắn được tìm thấy và đưa vào bờ an toàn, 6 thuyền viên xấu số đã mãi mãi ở lại trong lòng biển. Đây là nỗi đau, sự mất mát quá lớn. Với những ngư dân may mắn sống sót trở về, họ như được sinh ra lần thứ hai và có thêm kinh nghiệm xương máu sinh tồn khi gặp nạn trên biển. Dù sức khỏe lẫn tinh thần vẫn chưa hồi phục, song khi được hỏi, sau biến cố này, liệu có còn tiếp tục làm nghề đi biển, đa số họ đều cho biết khi khỏe lại, sẽ vẫn tiếp tục giữ nghề truyền thống, bám biển vươn khơi để làm ăn sinh sống.
THẾ ANH